Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Đảo Nẹ những dấu ấn lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng đặc sắc

          

       Là đảo gần bờ, Đảo Nẹ có chiều dài gần 900m, bề ngang nơi rộng nhất khoảng 400m; nằm theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Góc Tây Nam là nơi cao nhất của đảo và có đỉnh với độ cao khoảng hơn 70m; từ đây đảo thấp dần về phía Đông Bắc. Cùng với dãy Linh Trường và các đảo khác (người dân địa phương quen gọi là hòn) như: hòn Mũi Hài (hài tị), hòn Sụp, hòn Bò tạo thành một cánh cung án ngữ, che chắn sóng gió mặt phía Nam và phía Đông cho vùng đất ven biển xã Ngư Lộc huyện Hậu Lộc. Do có đảo Nẹ che chắn phía ngoài làm cho bề mặt vụng nước bên trong khá yên tĩnh.

       Vì địa thế gần bờ nên đảo Nẹ không có người dân sinh sống, chỉ có một đơn vị bộ đội đóng quân. Tuy nhiên, đảo Nẹ luôn có sự gắn bó, kết nối quan trọng với đời sống của ngư dân quanh vùng. Trước đây, khi chưa có các phương tiện định vị hiện đại như bây giờ, ngư dân thuộc các xã ven biển xã Ngư Lộc-Hậu Lộc thường lấy mốc đảo Nẹ để làm phương hướng cho tàu thuyền trông đó mà về bến đỗ. Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi chép: Vào thời xa xưa, ngoài cửa biển Y Bích thuộc huyện Hậu Lộc nổi lên một hòn đảo, có một ngọn cao vút, thuyền bè qua lại hay đi đánh bắt trông vào đấy mà biết được cửa biển Y Bích và bến đỗ của thuyền.

       Đặc biệt, trong tâm thức người đi biển, Đảo Nẹ là nơi họ trao gửi niềm tin tâm linh, mong cầu về sức khỏe, bình an, may mắn trong mỗi chuyến vươn khơi. Bởi lẽ, nơi đây có đền thờ Đức vua Thông Thủy Nẹ Sơn (thuộc Cụm di tích lịch sử, văn hóa Chùa, Nghè  Diêm Phố) - vị thần tối linh cai quản vùng cửa biển. Tương truyền rằng: Hòn đảo này xưa kia có một cái hang khá sâu, một ngày kia có người đi câu tôm phát hiện ra thi thể của một người đàn ông nên liền đưa vào hang để chôn cất. Thương xót cho kiếp số con người, ngư dân trên hành trình vươn khơi bám biển qua khu vực này thường ghé vào thắp nén hương thơm tỏ lòng và cầu mong mọi điều hanh thông thuận lợi, đánh bắt được nhiều tôm, cá. Theo thời gian, người dân thấy được sự linh ứng, như nguyện nên tin rằng đây là vị thần được phái xuống để che chở, tạo phước lành cho cuộc sống của họ nên cho lập nơi thờ cúng ngay trước cửa hang. Trải qua bao thăng trầm, cùng tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên đảo.

 Năm 2017 Đền thờ Đức vua Thông Thủy Nẹ Sơn được trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang, kiên cố, trở thành địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng của đông đảo ngư dân khắp các vùng biển xã Ngư Lộc- Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa... Những nén hương thơm, lễ vật nương theo niềm tin tín ngưỡng của ngư dân từ đất liền đến với đảo Nẹ cùng những gửi gắm mong cầu về cuộc sống bình an, no ấm.

Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, mang đậm dấu ấn văn hóa - tín ngưỡng vùng biển, xuyên suốt chiều dài lịch sử, Đảo Nẹ giữ vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng, ghi dấu chiến công của quân đội ta. Nơi đây được biết đến là một trong những “chiến hạm nổi” của tỉnh Thanh Hóa, đơn vị tiền tiêu trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, trên chặng đường 67 năm xây dựng và trưởng thành, Đại đội hỗn hợp đảo Nẹ (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa) đóng quân tại nơi này luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu; tuần tra, canh gác, bảo vệ các mục tiêu then chốt của đảo; thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra. Với tâm niệm “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, những người lính của Đại đội hỗn hợp đảo Nẹ thực sự là “điểm tựa” để ngư dân vươn khơi bám biển, là những “cột mốc sống” kiên cường trên vùng biển quê hương.

Do là đảo gần bờ nên việc kết nối giữa đất liền với đảo Nẹ khá thuận tiện. Với những ai ưa thích khám phá thiên nhiên, muốn được cảm nhận trọn vẹn cảm giác lênh đênh sóng nước, hòa mình vào thiên nhiên, thích thú reo hò khi tận mắt chứng kiến từng đàn cá nhỏ nảy mình khỏi mặt nước khi thuyền rẽ sóng thì có thể đến bến Ngư Lộc kết nối gọi một chiếc thuyền của ngư dân. Số người làm dịch vụ này không nhiều và chuyến đi không phải lúc nào cũng theo ý muốn, ngẫu hứng của mình bởi lẽ phụ thuộc ngày, giờ “con nước lên”. Nhưng khi đã trải nghiệm rồi thì dường như ai cũng muốn một lần được trở lại.

Từ bến xã Ngư Lộc, hành trình đến với Đảo Nẹ gói gọn trong khoảng 30 - 40 phút mà để thương, để nhớ. Thương những chòi canh ngao neo mình giữa sóng gió trùng khơi, thương nụ cười rám nắng mà chân tình, gần gũi của những người đi biển, thương từng phút trải lòng khi màn đêm tịch mịch buông trùm, những khi dành dụm từng khối nước ngọt sau nhiều tháng trời khô hạn, ít mưa của người lính đảo. Và nhớ lắm một vùng biển trời quê hương có tên gọi thân thương - Đảo Nẹ - đảo nhỏ anh hùng, đảo nhỏ bình yên. Nơi đất liền lặng yên tiếng sóng, nhấm nháp hương vị chè dung - loại chè mọc nhiều trên đảo Nẹ, vừa là thức uống dân dã vừa là vị thuốc nam nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, bỗng như nghe vẳng bên tai khúc hát tâm tình của người lính đảo, rộn ràng tiếng chim trên những vòm cây xanh mướt mát, “tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả”...

Đến với Đảo Nẹ du khách sẽ có dịp dâng hương tại khu di tích Diêm Phố, vào dịp tháng 2 âm lịch sẽ được chiêm ngưỡng Lễ Hội Cầu Ngư- Lễ hội phi vật thể quốc gia; được trải nghiệm lênh đênh trên biển, được ngắm nhìn khung cảnh hữu tình, hài hòa giữa thiên nhiên với con người, ngắm nhìn đàn cá nhảy, trải nghiệm giữa những bãi nuôi Ngao, đánh bắt cá khi thủy triều xuống, thưởng thức những món ăn tươi ngon biển cả cùng với người dân nuôi Ngao hoặc du ngoạn trên biển ngắm khu du lịch Hải tiến huyện Hoằng hóa, khu du lịch Sầm sơn hay trải nghiệm cùng với ngư dân đánh cá…Lên Đảo đi thắp hương dâng lễ Đền đức vua thông thủy Nẹ Sơn, sinh hoạt và hòa mình với cuộc sống của các chiến sỹ bộ đội Đảo, đây chắc chắn là điểm đến không thể bỏ lỡ khi trải nghiệm.

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng Dương

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NGƯ LỘC - HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: Vũ Huy Bổ - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: Thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá

Số điện thoại: 02373.832.003

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa