Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
TẾT NGUYÊN TIÊU NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI DÂN BIỂN XÃ NGƯ LỘC-HUYỆN HẬU LỘC-TỈNH THANH HÓA

I.VÀI NÉT VỀ TẾT NGUYÊN TIÊU

Tết Nguyên Tiêu là gì?

Tết Nguyên Tiêu là tết đêm rằm đầu tiên của năm mới, Nguyên là thứ nhất, Tiêu là đêm. Tết Nguyên Tiêu diễn ra vào Rằm Tháng Giêng là một trong những ngày lễ rất quan trọng theo phong tục tập quán của người Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á khác.

Bên cạnh đó, Tết Nguyên Tiêu (Rằm Tháng Giêng) là ngày lễ hội cổ truyền tại Trung Quốc và là tết Thượng Nguyên tại Việt Nam. Lễ hội trăng rằm từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng rằm) trọn ngày 15 (ngày rằm) cho đến nửa đêm 15 (đêm trăng rằm) của tháng giêng Âm lịch.

Ý nghĩ của Tết Nguyên Tiêu tại Việt Nam và các nước khác

Tại Việt Nam

Ở Việt Nam, ngày Rằm Tháng Giêng là dịp dân chúng lên chùa cúng sao giải hạn, ước nguyện điều lành, tuy kinh điển nhà Phật không nói đến. Các chùa thường tụng kinh Dược Sư và khuyên các Phật tử cùng tụng niệm và hồi hướng công đức để thế giới được an lành.

Lễ hội đêm trăng rằm hiện được nhiều nơi  Việt Nam khôi phục truyền thống văn hóa cổ, tổ chức đêm Nguyên tiêu của Ngày thơ Việt Nam, hiện nay đã thành nếp thường xuyên ở nhiều địa phương. Đặc biệt ở những nơi có đông cộng đồng người Hoa sinh sống như Chợ Lớn, Hội An, lễ hội trăng rằm có nhiều sinh hoạt đặc biệt. Tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày và đêm rằm Tháng Giêng thường được cộng đồng người Việt gốc Hoa tổ chức ở khu Chợ Lớn, Quận 5 và dân gian có câu thành ngữ "Giao thừa ra quận Nhất, Nguyên tiêu về quận Năm".

Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, TPHCM với phần lễ, hội đa dạng, đặc sắc và phong phú tại các Hội quán, gia đình như: các nghi thức lễ, diễu hành, trình diễn ca kịch cổ truyền, múa lân sư rồng, đố chữ, thư pháp, trình diễn âm nhạc (Đại la cổ Triều Châu, Nhạc lễ Phúc Kiến), đốt nhang vòng, dán giấy cầu an, lì xì, dâng dầu đèn, chui bụng ngựa... đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2020.

Tập tục và lễ hội ở Trung Hoa

Ở Trung Quốc và Đài Loan, Tết Nguyên Tiêu hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên, hoặc Tết Trạng Nguyên, từ thời xưa là dịp nhà vua hội họp các ông Trạng để thết tiệc và mời vào vườn Thượng Uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ. Theo sách Trung Hoa, lễ Thượng Nguyên không phải là một ngày lễ Phật. Hiện nay, Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng, đêm rằm đầu tiên của năm mới) được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và còn được gọi là “Lễ hội đèn hoa” hoặc “Hội hoa đăng”, có thể bắt nguồn từ tục cúng tế thời Hán Vũ Đế, với tập tục trưng đèn trên cây nêu trước cửa nhà, đốt đèn, chơi lồng đèn ngũ sắc, có thể kéo dài từ 13 đến 17 tháng giêng. Những lồng đèn có hình thù rồng, phượng, mười hai con giáp hoặc những nhân vật cổ trong truyền thuyết, cổ tích được yêu chuộng.

Ngoài ra còn những tập tục khác như cúng tế cầu an cầu phước, ăn bánh trôi (gọi là “thang viên” – viên tròn trong nước), thi đoán hình thù trên lồng đèn, ngâm thơ. Người Đài Loan còn ghi những câu ước nguyện của mình vào đèn lồng và thả bay lên trời. Nhiều người còn coi đây là mùa Valentine phương Đông, tương tự như lễ Thất Tịch. Thơ Đường xưa đã viết: Nguyên tiêu chi dạ hoa lộng nguyệt, mùa trăng tròn lung linh sắc màu hoa đăng rực rỡ cũng là dịp Ngưu Lang Chức Nữ gặp gỡ se duyên.

II. TẾT NGUYÊN TIÊU TẠI XÃ NGƯ LÔC-HUYỆN HẬU 

Xã Ngư Lộc nằm phía đông của Huyện Hậu Lộc-Tỉnh Thanh hóa là địa phương khác với các xã vùng biển khác cùng huyện đó là xã “Nhất Làng, Nhất xã”. ( Làng Diêm phố xưa và xã Ngư Lộc ngày nay);

Thường lệ tại khu di tích và các Nhà Thờ các dòng họ lớn nhỏ trong toàn xã đều tổ chức rước cỗ và Chầu Phật, Chầu Thánh, Chầu Tiên Tổ các dòng họ; từ ngày 12/01 âm lịch đến ngày 14/01 âm lịch thì việc tổ chức rước về Đền, Chùa và về các dòng họ phải xong.

Từ rất sớm mọi công tác chuẩn bị rước đã chu đáo; Làng lo việc Làng, Họ lo việc Họ nhưng cũng rất có thứ tự. Toàn xã có 90 nhà thờ Họ lớn nhỏ được phân bố đều ở các khu dân cư( Nhưng chỉ khi nào Làng rước cỗ lên khu di tích thì lúc đó các dòng Họ mới được rước không ai bảo ai), trên các tuyến đường lớn nhỏ con cháu các dòng Họ quần áo quân phu chỉnh tề nữ mặc áo dài truyền thống chuẩn bị đầy đủ các mâm cúng lễ gồm đầy đủ trầu cau, xôi gà, lợn quay, kẹo bánh, trái cây đủ loại.. Loa Đài, Trống, Cờ hoa rực rỡ, kiệu lớn, kiệu nhỏ nối nhau rước các cụ Tổ của các dòng Họ từ nhà trọ của dòng Họ về Từ Đường để phụng thờ hương khói từ ngày 14/01 âm lịch đến ngày 15/01 âm lịch.

Công tác chuẩn bị đã được giao cho 01 thôn thay mặt cho các thôn toàn xã tổ chức đảm nhiệm cho công tác chuẩn bị từ sáng ngày 12/01 âm lịch làng đã tổ chức rước kiệu về thôn và lên cỗ long sàng tổ chức cúng lễ nhà trọ của thôn: Tại đây nhân dân cúng lễ Cầu an, cầu Tài, Cầu sức khỏe…cho đến sáng ngày 14/01 âm lịch thì Làng tổ chức Rước Kiệu, Rước Cỗ về tại khu di tích, cũng như các Dòng Họ đơn vị đăng cai cho Làng cũng chuẩn bị đầy đủ con người Nam mặc quần áo quân phu chỉnh tề, nữ mặc áo dài truyền thống chuẩn bị đầy đủ các mâm cúng lễ gồm đầy đủ trầu cau, xôi gà, lợn quay, kẹo bánh, trái cây đủ loại.. Loa Đài, Trống, Cờ hoa rực rỡ cùng với Hội Nàng Nga ( Những cụ cao niên trong Làng) để rước Kiệu và rước Lễ của Làng về khu di tích.

Tại khu di tích các khu vực Đền thờ, Miếu mạo được bày đầy đủ các nghi lễ để chuẩn bị cúng lễ Cầu Tài, Cầu Lộc đầu năm cho dân làng. Đặc biệt trong Tết nguyên tiêu khác với các địa phương ven biển khác đại phương tổ chức Lễ rung phướn cầu phúc đầu năm ( Cướp tiền phướn).

Cây phướn được chuẩn bị khá công phu trên cột phướn có hình con quạ, tiền phướn được bỏ vào cờ kéo lên tận đỉnh cột( Tiền này được các nàng già trong làng đi quyên giáo); Cờ được tung ra tiền phướn rơi xuống đất bà con tranh nhau giành lấy để đeo cho con cháu để được phúc.( Việc kéo tiền phướn và tại sao có hình con quạ, có tiền quyên giáo đây có 01 sự tích được các cụ để lại trong cuốn thần phả Diêm Phố được dịch lại năm 2011).

Theo sự tích và các cụ cao niên truyền lại thì trước đây dân cư ít tiền phướn thường được đặt khoảng 32 đồng tiền trinh, bây giờ dân đông các cụ bố trí 52 đồng và có năm còn thêm nhiều tiền giấy nữa. Đây là 1 nét văn hóa độc đáo của người dân Ngư lộc cần được gìn giữ và phát huy.

       Tết nguyên tiêu năm nay đã khép lại với nhiều niềm vui và phấn khởi của người dân biển xứ thanh, bắt đầu từ đây những người con của quê hương Diêm Phố xứ thanh lại tỏa đi khắp mọi miền quê của tổ quốc để làm ăn; Bà con ở quê hương tiếp tục bám biển khai thác làm giàu cho quê hương; Hy vọng những điều tâm linh mà người dân Diêm Phố, Các Dòng Họ đã gửi gắm vào các bậc thánh thần, tiên tổ sẽ linh nghiệm dưới sự che chở của các đấng siêu nhiên. Người dân xã Ngư Lộc sẽ được bình an, mọi người mọi nhà sẽ được ban tài, tiếp lộc, nhiều sức khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt, thịnh vượng.

                                                                       Bài và ảnh:  Nguyễn Hồng Dương

 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NGƯ LỘC - HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: Vũ Huy Bổ - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: Thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá

Số điện thoại: 02373.832.003

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa